18 research outputs found

    Hiện trạng khai thác và quản lý nghề lưới kéo ở Đồng bằng sông Cửu Long

    Get PDF
    Nghiên cứu hiện trạng khai thác và quản lý nghề lưới kéo ở Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021 tại 4 tỉnh ven biển là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Số liệu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp 223 chủ tàu khai thác lưới kéo đơn có chiều dài tàu từ 6 m đến dưới 15 m. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian khai thác của tàu lưới kéo đơn là rải đều quanh năm. Sản lượng khai thác của tàu lưới kéo đơn trung bình là 581,8 kg/chuyến với thời gian đánh bắt mỗi chuyến khoảng 3,3 ngày. Chi phí của tàu lưới kéo đơn cho mỗi chuyến khoảng 11,8 triệu đồng và thu lợi nhuận bình quân 8,1 triệu đồng với tỷ suất lợi nhuận là 0,9 lần. Nghề lưới kéo sử dụng loại ngư cụ có tính chọn lọc thấp nên được quan tâm quản lý bởi hệ thống văn bản pháp lý từ trung ương đến địa phương..

    Phân tích hiệu quả kinh tế mô hình lúa – tôm tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang

    Get PDF
    Luân canh lúa – tôm được xem là mô hình có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng gần đây một số nông hộ đã chuyển sang mô hình chuyên tôm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Do vậy, nghiên cứu thực hiện ước lượng hiệu quả kinh tế và tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả cho 70 nông hộ lúa – tôm tại huyện An Biên, Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù chi phí nuôi tôm chiếm tỷ trọng 47,87%, thấp hơn chi phí trồng lúa 53,13% nhưng lợi nhuận từ tôm cao hơn 4,25 lần so với lúa. Hiệu quả kinh tế trung bình là 52,1 %, cho thấy nông hộ có thể giảm 47,9% chi phí mà không làm giảm đầu ra. Nghiên cứu cũng cho thấy trình độ học vấn và tập huấn ảnh hưởng thuận trong khi khoảng cách từ đất canh tác đến đường giao thông ảnh hưởng nghịch đến hiệu quả kinh tế

    Ứng dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR trong nghiên cứu thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng tình hình phát sinh, thu gom và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách sử dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR (Nguyên nhân – Drive forces, Áp lực – Pressures, Hiện trạng – State, Tác động – Impact và Phản hồi – Response). Số liệu chính được dùng để phân tích là số liệu thứ cấp được thu trực tiếp từ các cơ quan quản lý ngành và phương pháp phỏng vấn KIP ở khu vực nghiên cứu và bộ số liệu sơ cấp khảo sát 456 hộ dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù các thiệt hại do ô nhiễm CTRSH gây ra hiện nay là lớn, số lượng phát sinh theo ngày và năm rất cao, nhưng tỷ lệ thu gom xử lý còn rất hạn chế (chỉ đạt từ 80% đến 87%). Trong khi đó, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (bao gồm cho CTRSH) tăng gấp hai lần sau năm năm. Các nguyên nhân chính được xác định bao gồm khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và chính sách quản lý chưa hiệu quả. Giải pháp giúp cải thiện tình trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt được đề xuất bao gồm các giải pháp có liên quan đến phí và lệ phí, giải pháp kỹ thuật và cải thiện hệ thống thu gom, phát triển công nghệ tái chế và nâng cao ý thức của cộng đồng

    Lựa chọn mô hình sản xuất của hộ trồng lúa trong điều kiện xâm nhập mặn: Trường hợp Cà Mau và Sóc Trăng

    Get PDF
    Diễn biến xâm nhập mặn có ảnh hưởng rất lớn đến hộ trồng lúa ở các tỉnh ven biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm Cà Mau và Sóc Trăng. Bài viết này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn mô hình canh tác trên đất lúa trong điều kiện xâm nhập mặn dựa vào mô hình Ricardian. Kết quả chỉ ra rằng nhiều mô hình trồng lúa kết hợp như lúa cá, lúa tôm, và lúa màu được ghi nhận trên địa bàn của hai tỉnh bên cạnh mô hình chuyên canh cây lúa. Xu hướng chuyển đổi từ mô hình trồng lúa chuyên canh 2 vụ và 3 vụ sang mô hình lúa kết hợp trong điều kiện xâm nhập mặn được ghi nhận với tỉ lệ khá cao trên 50%. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn giữa mô hình sản xuất lúa chuyên canh và mô hình lúa kết hợp của hộ trồng lúa ở Cà Mau và Sóc Trăng bao gồm: diện tích đất, vay vốn, địa bàn và xâm nhập mặn. Trong đó, xâm nhập mặn là yếu tố quan trọng nhất tác động tích cực trực tiếp đến quyết định lựa chọn mô hình sản xuất từ lúa chuyên canh sang lúa kết hợp. Kết quả này phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của các tỉnh khác ở trong vùng

    Giá trị kinh tế của hệ sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ đối với người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

    Get PDF
    Bài viết nhằm xác định giá trị kinh tế của hệ sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ thông qua ước tính mức sẵn lòng đóng góp của người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho dự án bảo tồn rừng bằng phương pháp mô hình lựa chọn (Choice Modeling). Kết quả mô hình ước lượng cho thấy người dân sẵn sàng trả thêm cho các lợi ích mà Vườn Quốc gia U Minh Hạ mang lại như làm tăng sản phẩm rừng, giảm mất đất rừng, và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Đáp viên sẵn lòng đóng góp trung bình khoảng 0,5kg gạo hàng tháng để tăng thêm 10 năm cung cấp sản phẩm rừng, đóng góp khoảng 0,9kg gạo hàng tháng nếu dự án có thể làm giảm mất đất rừng 50%. Để tăng thêm dịch vụ du lịch sinh thái 15%, các đáp viên sẵn lòng đóng góp hàng tháng khoảng 1kg gạo. Những kết quả đạt được này rất hữu ích để đánh giá thực trạng và khả năng chi trả của người dân trong việc phát triển hệ sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ

    Mức sẵn lòng chi trả của người dân địa phương ở xã Khánh An đối với dự án bảo tồn rừng U Minh Hạ

    Get PDF
    Nghiên cứu này đo lường được mức sẵn lòng chi trả của người dân địa phương bằng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) cho dự án bảo tồn rừng U Minh Hạ thông qua việc phỏng vấn 125 người dân sống xung quanh rừng (xã Khánh An). Kết quả cho thấy rằng đáp viên sẵn lòng đóng góp cho dự án bảo tồn với giá trị tương đương khoảng 3,77 kg gạo mỗi tháng. Những đáp viên có thu nhập trên 3 triệu đồng mỗi tháng hoặc biết người xung quanh đồng ý tham gia dự án thì khả năng chấp nhận dự án của họ cũng tăng. Tuy nhiên, những đáp viên nam hoặc đã từng đóng góp cho các quỹ từ thiện lại chưa thực sự tin tưởng vào tính khả thi của dự án nên khả năng đóng góp của họ lại thấp hơn so với những người khác

    Ước lượng mức sẵn lòng chi trả đối với phân sinh khối lỏng của nông hộ trồng cây ăn trái tỉnh Bến Tre

    Get PDF
    Với mục tiêu hướng tới nông nghiệp bền vững bằng việc giảm liều lượng sử dụng phân bón hóa học, phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) được sử dụng trong nghiên cứu để đánh giá nhu cầu của người dân trồng cây ăn trái thông qua ước lượng mức sẵn lòng chi trả của họ đối với việc sử dụng phân sinh khối lỏng tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Kết quả nghiên cứu cho thấy trên 60% đáp viên ủng hộ và đồng ý mua phân sinh khối lỏng được đề xuất với mức sẵn lòng chi trả hay mức giá khoảng 172.000 đồng/tấn. Những nông dân lớn tuổi, trình độ học vấn cao, và đã từng sử dụng phân hữu cơ sinh học trong quá khứ có xu hướng thích và sẵn sàng chi trả cao hơn cho phân sinh khối lỏng

    Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long: Trường hợp nghiên cứu ở thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng, nhận thức của người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp 545 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang. Mô hình nhị phân Logit được sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ tình hình quản lý chất thải rắn ngày càng được cải thiện như số lượng thu gom ngày càng tăng, người dân có nhận thức cao về lợi ích của việc phân loại rác, tỷ trọng đáp viên ủng hộ chương trình phân loại cao. Kết quả mô hình Logit khẳng định sự ảnh hưởng của yếu tố thời gian, đáp viên ủng hộ chương trình bảo vệ môi trường, thu nhập và khu vực chưa có chương trình thí điểm có tác động đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn của hộ gia đình. Từ kết quả này, chính quyền các cấp cần quan tâm đặc biệt đến việc tuyên truyền cho toàn bộ người dân, nhất là ở khu vực đô thị về các thông tin của chương trình. Ngoài ra, trong thời gian tới, khi thực hiện chương trình ở các khu vực còn lại, chính quyền các cấp cần thực hiện thật tốt, đúng quy chuẩn để tăng niềm tin của các hộ tham gia và chưa tham gia chương trình

    Nghiên cứu mức sẵn lòng trả cho dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cách tiếp cận tham số và phi tham số

    Get PDF
    Nghiên cứu này nhằm ước lượng mức sẵn lòng trả của người dân ở khu vực đô thị thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cho dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp cận bằng phương pháp định giá ngẫu nhiên (Contingent Valuation Method – CVM) dựa theo hai cách ước lượng tham số và phi tham số. Nghiên cứu cũng xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sẵn lòng trả bằng hàm Logit. Kết quả phân tích từ thu thập ngẫu nhiên 400 quan sát từ ba thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy người dân sẵn lòng chi trả từ 86.000 đồng đến 110.000 đồng/tháng/hộ lần lượt đối với phương pháp phi tham số và tham số. Kết quả xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi trả cho sự cải thiện chất lượng của dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt gồm mức phí, hộ có phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hộ có ý định ủng hộ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu nhập hàng tháng của đáp viên. Kết quả nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận là nhỏ từ đó tăng tính tin cậy của kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, để khuyến khích người dân tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức và khuyến khích các hộ có thu nhập cao hơn tham gia trước

    Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm tại vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng

    Get PDF
    Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp vùng ven biển đang diễn ra như một xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cụ thể từ mía sang mô hình chuyên tôm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Do vậy, nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở phỏng vấn trực tiếp 90 nông hộ nuôi tôm đã chuyển đổi từ mô hình trồng mía tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nhằm đánh giá thực trạng sản xuất, cụ thể phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi này nhằm cung cấp minh chứng cho các nhà hoạch định chính sách. Kết quả nghiên cứu về thực trạng nuôi tôm của nông hộ cho thấy lợi nhuận trung bình đạt 452 triệu đồng/ha/vụ và có sự dao động lớn giữa các nông hộ do rủi ro trong quá trình sản xuất. Hiệu suất kinh tế theo quy mô của nông hộ nuôi tôm là tăng dần. Hiệu quả kinh tế trung bình của nông hộ nuôi tôm là 80,82% và có sự biến động lớn giữa các hộ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy chi phí mất đi do không đạt hiệu quả về kinh tế hay nói cách khác là chi phí mà nông hộ nuôi tôm có thể giảm trung bình là 102 triệu đồng/ha/vụ
    corecore