16 research outputs found

    Nghiên cứu ứng dụng viễn thám hỗ trợ kiểm kê, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện: Trường hợp nghiên cứu tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện nhằm xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất (HTSDĐ) trên địa bàn huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp bằng phương pháp sử dụng ảnh viễn thám, đồng thời so sánh, đối chiếu với bản đồ HTSDĐ từ kết quả kiểm kê đất đai (KKĐĐ) để tìm ra giải pháp giúp nâng cao hiệu quả công tác KKĐĐ, lập bản đồ HTSDĐ giai đoạn tiếp theo trên địa bàn huyện. Cụ thể, nghiên cứu sử dụng ảnh Sentinel-2 được thu thập ngày 01/01/2020 để xây dựng bản đồ HTSDĐ thông qua phương pháp phân loại theo hướng đối tượng, kết hợp sử dụng chỉ số thực vật (NDVI), và chỉ số khác biệt nước (NDWI). Kết quả giải đoán ảnh được kiểm tra tại 470 điểm khảo sát thực địa cho với chính xác toàn cục là 92,8%, hệ số kappa là 0,86 cho 6 loại HTSDĐ. Qua đó cho thấy, việc ứng dụng ảnh viễn thám trong xác định khác biệt giữa hiện trạng sử dụng đất và hồ sơ địa chính có tính khả thi cao. Trên cơ sở tham vấn ý kiến chuyên gia trực tiếp thực hiện công tác KKĐĐ trên địa bàn huyện, nghiên cứu đề xuất được quy trình thực hiện KKĐĐ, lập bản đồ HTSDĐ kết hợp giữa phương pháp truyền thống với phương pháp sử dụng ảnh viễn thám, nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý..

    Đánh giá việc sử dụng ba loại ảnh có độ phân giải trung bình và thấp trong việc xác định sự phân bố và ước tính sinh khối bốn loại rừng ngập mặn khu vực xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

    Get PDF
    Rừng ngập mặn có vai trò và chức năng to lớn trong việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái vùng ven biển, đồng thời rừng còn có vai trò điều hòa khí hậu, giảm lượng khí nhà kính và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó việc ước tính sinh khối rừng là rất cần thiết trong công tác quản lý rừng. Nghiên cứu thực hiện sử dụng 03 loại ảnh viễn thám độ phân giải thấp gồm ảnh MODIS, SPOT và LANDSAT với phương pháp tạo ảnh chỉ số thực vật NDVI (Normalized Difference Vegetation Index) nhằm xác định hiện trạng phân bố rừng ngập mặn thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với 4 loại rừng gồm rừng đước, rừng mắm, rừng hỗn giao và rừng kết hợp thủy sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy với 3 loại ảnh được sử dụng để xác định hiện trạng rừng, ảnh SPOT và ảnh LANDSAT có độ tin cậy là 94,72% và 96,14% cao hơn so ảnh MODIS với độ tin cậy 34,3%. Tổng diện tích rừng phân bố là 9.555,21 ha trong đó rừng đước kết hợp với thủy sản chiếm diện tích cao nhất chiếm 48,48%; kế đến là diện tích rừng đước và rừng mắm chiếm 27,2% và 20,6% tổng diện tích và thấp nhất là rừng hỗn giao với 4,25% tổng diện tích phân bố. Đồng thời, nghiên cứu cũng xác định hàm lượng sinh khối tươi của từng loài rừng dựa theo các cấp tuổi và cấp đường kính khác nhau, trữ lượng sinh khối cao nhất phân bố trên rừng mắm với khoảng 214,92 kg/ha/năm, kế đến là sinh khối của rừng đước với 188,42 kg/ha/năm và thấp nhất phân bố trên rừng đước kết hộ với thủy sản là 113,05 kg/ha/năm (với tỉ lệ rừng:tôm là 6:4)

    ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH SẠT LỞ, BỒI TỤ KHU VỰC VEN BIỂN TỈNH CÀ MAU VÀ BẠC LIÊU TỪ 1995-2010 SỬ DỤNG VIỄN THÁM VÀ CÔNG NGHỆ GIS

    Get PDF
    Rút trích đường bờ là một công việc cần thiết cho giám sát môi trường và đánh giá thay đổi đường bờ. Cà Mau và Bạc Liêu, hai tỉnh phía nam của Việt Nam quá trình sạt lở và bồi tụ diễn biến một cách nghiêm trọng. Đề tài đã xây dựng được bản đồ đường bờ năm 1995, 2000, 2005 và 2010. Kết quả cho thấy tình hình sạt lở và bồi tụ ven bờ biển Cà Mau và Bạc Liêu từ năm 1995 đến 2010 diễn biến vô cùng phức tạp. Quá trình sạt lở và bồi tụ luôn đan xen với nhau trong từng thời kỳ. Khu vực sạt lở nhiều nhất xảy ra tại xã Tân Thuận, Tân Tiến huyện Đầm Dơi và khu vực bồi tụ nhiều nhất diễn ra từ Rạch Cái Hương, huyện Ngọc Hiển kéo dài tới cửa Bảy Háp, huyện Năm Căn. Nhìn chung cho đến giai đoạn hiện nay, bờ biển Tây tỉnh Cà Mau xu hướng bồi tụ chiếm ưu thế hơn, bờ biển Đông của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu thì xu hướng sạt lở lại chiếm ưu thế. Đây là một trong những thông tin hữu ích giúp các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch và quản lý vùng ven bờ

    Theo dõi đảo nhiệt bề mặt đô thị tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2014-2020

    Get PDF
    Nghiên cứu nhằm theo dõi sự thay đổi nhiệt độ bề mặt (land surface temperature-LST) và đảo nhiệt bề mặt đô thị (surface urban heat island -SUHI) tại thành phố Cần Thơ (TPCT) giai đoạn 2014-2020. LST được phân tích từ ảnh hồng ngoại nhiệt của Landsat, hiện trạng phủ bề mặt được giải đoán từ phương pháp phân loại hướng đối tượng (object-based approach). Độ lớn SUHI xác định bởi chênh lệch LST trung bình vùng đô thị so với ngoại ô. Với độ chính xác toàn cục (T=90%), kết quả cho thấy tỉ lệ diện tích đô thị tăng 1,33% (1.915 ha) và LST trung bình tăng 1,25oC trong 5 năm. SUHI phát triển với xu hướng tăng nhanh về không gian và thời gian. Năm 2020, đảo nhiệt tối đa là 8,96oC xảy ra ở 87,4 ha trong khi năm 2014 chỉ ở 6,98oC với 42,8 ha. Đảo nhiệt phân bố tại khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, khu dân cư mật độ xây dựng cao. Các giải pháp giảm thiểu đảo nhiệt, bảo vệ môi trường đô thị nên được tích hợp trong chiến lược xây dựng đô thị bền vững thời gian tới

    Đánh giá sự thay đổi tổng sản lượng sơ cấp theo thời gian của các kiểu thực phủ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

    Get PDF
    Nghiên cứu nhằm đánh giá tổng sản lượng sơ cấp (GPP) của các nhóm thực phủ chính khu vực ĐBSCL năm 2018. Tổng cộng 92 ảnh MODIS MOD17A2 có độ phân giải không gian 500 m, độ phân giải thời gian 8 ngày được sử dụng trong nghiên cứu này. Công cụ MRT sử dụng để chuyển ảnh về đúng hệ tọa độ và quy chiếu, phần mềm LDOPE áp dụng nhằm chọn lọc các điểm ảnh đạt chất lượng tốt sử dụng trong các phân tích GPP để nâng cao độ tin cậy của nghiên cứu. Kết quả cho thấy, GPP rừng đạt giá trị cao nhất khoảng 7,23 gC/m2/ngày, tiếp theo là lúa từ 3 – 5 gC/m2/ngày, màu (3,12 gC/m2/ngày) và vùng canh tác tôm có giá trị thấp nhất (1 gC/m2/ngày). Tính toán trên toàn khu vực ĐBSCL, GPP năm 2018 đạt khoảng 3.107,37 tấnC/năm, trong đó tổng GPP của lúa cao hơn các kiểu thực phủ khác. Cụ thể, canh tác 1 vụ lúa (ĐX) chiếm khoảng 51,31 tấnC/năm (1,65%), canh tác 2 vụ lúa (ĐX-HT) khoảng 1.063,93 tấnC/năm (34,24%), canh tác 3 vụ lúa (ĐX-HT-TĐ) khoảng 1.161,52 tấnC/năm (37,38%), lúa – màu khoảng 56,31 tấnC/năm (1,81%), lúa – tôm  khoảng 166,63 tấnC/năm (5,36%) và nhóm hiện trạng rừng khoảng 607,66 tấnC/năm (19,56%). Nhìn chung, mỗi nhóm thực phủ khác nhau có khả năng hấp thu một lượng carbon khác nhau và biến đổi các thời điểm trong năm

    Đánh giá tổng sản lượng sơ cấp rừng rụng lá sử dụng mô hình quang hợp và ảnh viễn thám - Trường hợp nghiên cứu tại Thái Lan

    Get PDF
    Nghiên cứu này nhằm so sánh giá trị tổng sản lượng sơ cấp (GPP) của đối tượng rừng rụng lá tại Ratchaburi, Thái Lan sử dụng mô hình quang hợp thực vật (GPPVPM) và dữ liệu viễn thám MODIS MOD17A2 (GPPMODIS) với dữ liệu thực đo (GPPObs) giai đoạn 2010 – 2011. Số liệu quan sát thu được từ tháp quan trắc bao gồm các dữ liệu về lượng bức xạ tới dùng trong quang hợp (PAR), nhiệt độ được sử dụng để tính toán ảnh hưởng của yếu tố nhiệt độ trong mô hình quang hợp thực vật (VPM), tổng sản lượng sơ cấp thuần để tính toán GPPObs. Các chỉ số nước bề mặt (LSWI), chỉ số thực vật tăng cường (EVI) trích xuất từ dữ liệu viễn thám phục vụ cho tính toán ảnh hưởng của nước (Wscalar) và giai đoạn phát triển của cây (Pscalar) đến GPP trong mô hình VPM. Song song, GPPMODIS được trích xuất từ sản phẩm MOD17A2 và loại bỏ các điểm ảnh không đáng tin cậy. So sánh kết quả của hai phương pháp ước tính GPP với giá trị thực đo cho thấy mô hình VPM cho hiệu quả cao hơn (R2 = 0,75; RMSE = 2,34; MAE = 2,06; p < 0,001) so với MODIS trong việc ước tính GPP (R2 = 0,26; RMSE = 22,44; MAE = 18,45). Nghiên cứu tiếp theo về ứng dụng mô hình VPM tính toán GPP cho các đối tượng thực phủ khác nên được quan tâm

    Ảnh hưởng của khô hạn đến tổng sản lượng sơ cấp của rừng rụng lá-Trường hợp nghiên cứu tại tỉnh Ratchaburi, Thái Lan

    Get PDF
    Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của năm cực đoan (khô hạn) đến tổng sản lượng sơ cấp của rừng rụng lá tại tỉnh Ratchaburi, Thái Lan. Trước tiên, số liệu đo đạc về nhiệt độ và lượng mưa sử dụng nhằm đánh giá sự biến đổi thời tiết. Tiếp theo, chuỗi ảnh NDVI MODIS dùng để đánh giá sự thay đổi mùa sinh trưởng của rừng rụng lá giai đoạn 2009-2011. Các phân tích mùa vụ sinh trưởng sau sùng được so sánh với số liệu đo đạc thực tế tổng sản lượng sơ cấp vào năm khô hạn và năm bình thường khác. Kết quả cho thấy vào mùa khô năm 2010 (khô hạn), nhiệt độ không khí tại điểm nghiên cứu tăng cao, lượng mưa giảm, tương ứng với thời gian bắt đầu mùa sinh trưởng của rừng rụng lá muộn hơn năm bình thường khoảng 49-50 ngày, độ dài của mùa sinh trưởng ngắn hơn khoảng 54-57 ngày so với năm 2009 và 2011. Theo đó, tổng sản lượng sơ cấp của rừng rụng lá cũng giảm đáng kể vào năm khô hạn (376,4 kgC/ha, năm 2010) so với năm bình thường (581,1 kgC/ha năm 2009 và 530,0 kgC/ha năm 2011). Phân tích chuyên sâu hơn nhằm tìm ra nguyên nhân, cơ chế tác động của các yếu tố khí hậu đến sự suy giảm tổng sản lượng sơ cấp cần được quan tâm trong các nghiên cứu tiếp theo

    Đánh giá sự phát thải khí nhà kính tại thành phố Cần Thơ - Trường hợp nghiên cứu tại ba quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích phát thải khí nhà kính (KNK) từ hoạt động dân sinh, khu công nghiệp (KCN) và hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch tại ba quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Cacbon dioxit (CO2), metan (CH4) và nitơ oxit (NO2) là ba loại KNK chính được chọn phân tích trong nghiên cứu này, và được tính toán từ khối lượng nhiên liệu tiêu thụ trong từng hoạt động nhân với hệ số phát thải của từng nguồn tương ứng. Qua kết quả nghiên cứu, tổng lượng phát thải KNK tại khu vực nghiên cứu là 3.343.145,1 tấn CO2 tđ/năm. Trong đó, quận Bình Thủy phát thải cao nhất với 2.529.732,4 tấn CO2 tđ/năm (chiếm 75,7%), tiếp đến quận Ninh Kiều phát thải 589.178,8 tấn CO2 tđ/năm (chiếm 17,6%) và quận Cái Răng phát thải thấp nhất với 224.233,9 tấn CO2 tđ/năm (6,7%). Qua kết quả nghiên cứu, tổng quan về thực trạng phát thải KNK tại khu vực được cung cấp, từ đó, góp phần hỗ trợ công tác quản lý môi trường và đóng góp cho việc định hướng sử dụng đất trong tương lai

    Khảo sát sự xâm nhiễm và sự hiện diện của bào tử nấm rễ nội cộng sinh (Arbuscular Mycorrhiza) trong mẫu rễ và đất vùng rễ của cây bắp, mè và ớt được trồng ở thành phố Cần Thơ

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự xâm nhiễm và sự hiện diện các bào tử nấm rễ nội cộng sinh (AM) trong đất vùng rễ và rễ cây bắp, mè và ớt được trồng trên đất phù sa ở thành phố Cần Thơ. Bốn mẫu đất vùng rễ và rễ của ba loại cây màu được thu để xác định phần trăm (%) sự hiện diện của nấm rễ bên trong rễ và định danh bào tử nấm rễ trong đất vùng rễ bằng phương pháp rây ướt. Kết quả cho thấy rễ bắp, mè và ớt có sự xâm nhiễm của nấm rễ. Sự hiện diện của nấm rễ ở rễ cũng như số lượng bào tử trong đất vùng rễ của cây bắp cao nhất và khác biệt rất có ý nghĩa thống kê so với cây mè và ớt. Định danh được bốn chi nấm là Acaulospora, Entrophosphora, Glomus, Gigaspora và ba chi nấm chưa được định danh; cả bốn chi nấm này hiện diện ở đất vùng rễ bắp đặc biệt hai chi Acaulospora và Glomus được tìm thấy ở cả ba mẫu đất vùng rễ của bắp, mè và ớt

    Ước tính phát thải khí nhà kính trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

    Get PDF
    Mục tiêu nghiên cứu là ước tính lượng phát thải khí nhà kính (KNK) gồm CO2, CH4 và N2O từ các nguồn trực tiếp (xăng dầu tiêu thụ và chất đốt) và gián tiếp (tiêu thụ điện từ hộ gia đình và rác thải) trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Phương pháp thu thập số liệu nhiên liệu tiêu thụ các nguồn thải khác nhau thông qua phiếu điều tra hộ gia đình và số liệu thống kê quản lý nhiên liệu tiêu thụ. Phương pháp tính toán lượng phát thải dựa trên số liệu hoạt động và hệ số phát thải, đồng thời ước tính phát thải bình quân đầu người trên địa bàn quận. Kết quả nghiên cứu cho thấy năm 2019, tổng lượng phát thải KNK ở quận Ninh Kiều khoảng 1.069.422 tấn CO2tđ và bình quân đầu người phát thải khoảng 4,17 tấn CO2tđ/năm. Trong đó, tỷ lệ cao nhất phát thải gián tiếp từ tiêu thụ điện là 35,1% và trực tiếp từ chất đốt (gas, củi và than) là 26,5%. Kết quả nghiên cứu đã nhận dạng các hoạt động gây phát thải KNK cao làm cơ sở đề xuất các hoạt động thiết thực phù hợp giúp giảm thiểu phát thải trên toàn thành phố Cần Thơ nhằm phát triển thành phố trung hoà carbon
    corecore