16 research outputs found

    SO SÁNH HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA VỤ LÚA HÈ THU VÀ THU ĐÔNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

    Get PDF
    Hiệu quả kinh tế trong bài nghiên cứu này được ước lượng từ hàm lợi nhuận biên ngẫu nhiên Cobb-Douglas, dựa trên số liệu sơ cấp được thu thập từ 479 nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận trung bình của các nông hộ trong vụ Hè Thu và Thu Đông lần lượt là 7,8 và 6,3 triệu đồng/ha. Với cùng lượng đầu vào và giá cả cho trước, lợi nhuận vụ Hè Thu cao hơn vụ Thu Đông khoảng 17 - 19%. Mức hiệu quả kinh tế đạt được trong hai vụ lần lượt là 57% và 58%. Phần kém hiệu quả do chưa đạt hiệu quả tối đa gây thất thoát khoảng 4,8 triệu đồng và 3,6 triệu đồng/ha lần lượt trong vụ Hè Thu và Thu Đông. Có sự chênh lệch lớn trong lợi nhuận cũng như hiệu quả giữa các nông hộ do kỹ thuật không đồng bộ và kỹ năng lựa chọn đầu vào tối ưu khác biệt. Kết quả này cho thấy tiềm năng lớn để nông dân cải thiện lợi nhuận và hiệu quả của mình nếu cải thiện kỹ thuật. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc tham gia tập huấn kỹ thuật của nông dân sẽ giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận và hiệu quả đạt được

    Thành phần vi nấm nhiễm trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) giai đoạn bột đến giống

    Get PDF
    Đề tài được thực hiện nhằm xác định thành phần vi nấm nhiễm trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) giai đoạn bột đến giống. Tổng số 655 mẫu cá tra được thu tại 14 ao ương giống ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp. Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm vi nấm cao nhất ở cá giống (22,8%), kế đến là cá bột (20,5%) và thấp nhất ở cá hương (16,9%) . Vi nấm nhiễm trên da ở cá bột, cá hương và cá giống với tỉ lệ lần lượt là 40,3%, 35,1% và 23,4%. Tỉ lệ nhiễm vi nấm ở da cá tra cao hơn các cơ quan khác như mang, gan, thận và bóng hơi. Bốn giống nấm đã được định danh gồm Fusarium sp. (43,9%), Aspergillus sp. (40,1%), Achlya sp. (11,5%) và Mucor sp. (4,5%). Fusarium sp., Aspergillus sp. và Achlya sp. nhiễm trên các cơ quan. Mucor sp. chỉ phân lập được ở da và mang cá bột và không phát hiện ở cá hương và giống. Fusarium sp. được tìm thấy với tỉ lệ nhiễm cao ở bóng hơi, đặc biệt vào giai đoạn cá giống nhiễm bệnh trương bóng hơi

    Thành phần hóa học của cao chiết ethyl acetate từ cây ba chẽ Desmodium triangulare (Retz.) Merr

    Get PDF
    Trong nghiên cứu này, thành phần hóa học của cao chiết ethyl acetate từ thân và lá cây ba chẽ đã được nghiên cứu. Mẫu nguyên liệu khô được nghiền nhỏ, sau đó chiết bằng phương pháp ngấm kiệt với methanol thu được cao chiết thô. Cao chiết thô được phân tán trong nước và thực hiện  quá trình chiết lỏng- lỏng với dung môi ethyl acetate nhằm thu được cao ethyl acetate. Cao chiết ethyl acetate đã được phân tách bằng phương pháp sắc ký trên cột silica gel và Sephadex LH20. Kết quả đã phân lập được bốn hợp chất sạch. Dựa vào dữ liệu phổ  1H-NMR và 13C-NMR và kết hợp với các tài liệu tham khảo đã xác định được cấu trúc của bốn hợp chất hữu cơ đã phân lập là stigmasterol, methyl protocatechuate, methyl syringate và methyl ferulate. Kết quả phân tích HPLC của cao chiết methanol chỉ ra rằng các hợp chất phân cực và kém phân cực là thành phần chính của cao chiết

    ĐÁNH GIÁ NHẬN THỨC CỦA CỘNG ĐỒNG VỀ BẢO TỒN SẾU ĐẦU ĐỎ

    Get PDF
    Nghiên cứu đo lường sự sẵn lòng chi trả (WTP) bằng cách sử dụng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) cho một chương trình bảo tồn Sếu đầu đỏ ViệtNam, loài bây giờ đang bị đe dọa tuyệt chủng. Một cuộc khảo sát bằng phương pháp ?drop-off? trên 738 hộ gia đình được thực hiện ở thành phố Cần Thơ; 410 hộ đã trả lời. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đáp viên sẵn lòng chi trả để ủng hộ cho Chương trình bảo tồn Sếu đầu đỏ dưới 50%. Mức giá đưa ra khảo sát, trình độ học vấn của đáp viên, thu nhập của của gia đình đáp viên, hiểu biết của đáp viên về thực trạng của Sếu đầu đỏ và sự tin tưởng của đáp viên vào Chương trình bảo tồn Sếu đầu đỏ tác động đến sự sẵn lòng chi trả của đáp viên. Sự sẵn lòng chi trả trung bình được ước lượng khoảng 12.222 VND/hộ

    Phân tích thị hiếu người tiêu dùng đối với sản phẩm cải thảo nhãn hiệu sinh thái: Trường hợp nghiên cứu tại thành phố Cần Thơ

    Get PDF
    Phương pháp thực nghiệm lựa chọn (CE) được sử dụng trong nghiên cứu này để xác định thị hiếu của người tiêu dùng thành phố Cần Thơ đối với các thuộc tính của cải thảo nhãn hiệu sinh thái. Kết quả cho thấy rằng đáp viên sẵn lòng chi trả cho cải thảo có nhãn hiệu “Cải thảo hữu cơ” khoảng 15.000 đồng/kg, khoảng 12.000 đồng/kg cho “Cải thảo xanh”, và khoảng 10.000 đồng/kg cho nhãn hiệu “Cải thảo an toàn”. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đồng ý chi trả thêm khoảng 14.000 đồng/kg cho cải thảo có truy xuất nguồn gốc rõ ràng

    Hiện trạng nhiễm ký sinh trùng ở cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) giai đoạn ương giống

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định hiện trạng nhiễm ký sinh trùng ở ba giai đoạn ương (cá bột, cá hương và cá giống) cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Tổng số 857 mẫu cá (302 mẫu cá bột, 218 mẫu cá hương và 337 mẫu cá giống) được thu từ 20 ao ương (9 ao thu vào mùa mưa và 11 ao thu vào mùa khô). Thành phần loài và tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng được xác định theo các giai đoạn ương cá khác nhau. Kết quả cho thấy 9 giống ký sinh trùng được phát hiện trên cá tra giống bao gồm Cryptobia, Trichodina, Balantidium, Apiosoma, Epistylis, Myxobolus, Henneguya, Dactylogyrus và Gyrodactylus. Ngoài ra, bào nang của một số giống ký sinh trùng cũng được xác định là Myxozoans, ấu trùng metacercariae, ấu trùng giun tròn và copepod. Nhiều giống ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm ở mùa khô (cá bột: 56,6% -73,3%, cá hương: 50% -100%, cá giống: 73% -85,7%) cao hơn so với mùa mưa (cá bột: 15% -57,3%, cá hương: 40% -100%, cá giống: 25% -90,3%). Đặc biệt, các giống Trichodina, Apiosoma, Epistylis, Myxobolus, Henneguya và bào nang Myxozoa ký sinh phổ biến trên da và mang cá ở cả mùa khô và mùa mưa. Hiện trạng về tỷ  lệ nhiễm và thành phần loài ký sinh trùng phát hiện trong nghiên cứu này phản ánh thời điểm cụ thể của giai đoạn ương cần áp dụng các biện pháp can thiệp nhằm giảm tác động của mầm bệnh ký sinh trùng

    Hiệu quả của thay thế mùn cưa cây cao su bằng vỏ tràm trong nuôi trồng nấm vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus (L.: Fr.) Murrill)

    Get PDF
    Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá khả năng sử dụng vỏ tràm để trồng nấm vân chi đỏ. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 9 nghiệm thức (khác nhau về cơ chất với tỷ lệ vỏ tràm thay thế mùn cưa cao su), 3 lần lặp lại (10 bịch cơ chất/lần lặp lại). Kết quả cho thấy hệ sợi giống cấp 1 có tốc độ phát triển nhanh nhất (1,78 cm/ngày) trên môi trường Potato-dextrose-agar (PDA) bổ sung 10% nước dừa. Hạt lúa hấp chín là cơ chất thích hợp cho sự phát triển hệ sợi giống cấp 2 (0,988 cm/ngày). Cọng khoai mì luộc là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của hệ sợi giống cấp 3 (0,538 cm/ngày). Công thức phối trộn chứa 60% vỏ tràm và 40% mùn cưa cao su không có dinh dưỡng bổ sung được xem là cơ chất phù hợp nhất cho sự sinh trưởng, phát triển của nấm vân chi đỏ đạt năng suất cao nhất 60,1 g nấm tươi/bịch phôi với hiệu suất sinh học 20%. Như vậy, vỏ tràm có tiềm năng được tận dụng để trồng nấm vân chi đỏ đạt hiệu quả cao trên cơ chất phối trộn 60% vỏ tràm và 40% mùn cưa cao su
    corecore