17 research outputs found

    SO SÁNH ĐẶC ĐIỂM MÔ CHUYỂN KHÍ MỘT SỐ LOÀI THỰC VẬT THỦY SINH TRONG MÔI TRƯỜNG NƯỚC Ô NHIỄM

    Get PDF
    Thí nghiệm về đặc điểm mô chuyển khí một số loài thủy sinh thực vật trong môi trường nước ô nhiễm nhằm góp phần giải thích cơ chế giúp thực vật thích nghi trong đất ngập nước, đánh giá và chọn lọc loài thủy sinh trong việc cải thiện chất lượng môi trường nước ô nhiễm. Thí nghiệm được bố trí với 3 nghiệm thức: (1) nước thải trồng Môn nước,  (2) nước thải trồng Cỏ mồm, (3) nước thải trồng Lục bình. Nguồn nước thải dùng cho thí nghiệm là nước thải sinh hoạt. Tỷ lệ diện tích khoang khí/diện tích lát cắt ngang các loài cây thí nghiệm được đo ở thời điểm bắt đầu và kết thúc thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy Môn nước (Colocasia esculenta) là loài có sự gia tăng tỷ lệ diện tích khoang khí/diện tích lát cắt ngang thân nhiều nhất 15%, Lục bình (Eichhornia crassipes) 10% và Cỏ mồm (Hymenachne acutigluma) thấp nhất 5%. Tỷ lệ diện tích khoang khí/diện tích lát cắt ngang rễ của Môn nước (Colocasia esculenta) và Lục bình (Eichhornia crassipes) gia tăng cao nhất, tăng 7%. Tỷ lệ gia tăng của Cỏ mồm (Hymenachne acutigluma) thấp nhất đạt 4%

    Xác định các dịch vụ hệ sinh thái của hệ sinh thái rừng tràm ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Cà Mau

    Get PDF
    Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá tầm quan trọng các dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) tại vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Việc nghiên cứu được tiến hành bằng cách phỏng vấn trực tiếp 120 hộ dân thuộc các mô hình trồng tràm, trồng keo lai, lúa 2 vụ, và lúa – tôm về những lợi ích trực tiếp, gián tiếp và đóng góp của rừng đối với sinh kế của người dân địa phương nhằm kiểm soát, khai thác các sản phẩm rừng mà không làm tổn hại đến môi trường, đồng thời duy trì và bảo tồn được nguồn tài nguyên này. Kết quả nghiên cứu được tổng hợp ý kiến từ đại diện các mô hình trên cho thấy dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết và dịch vụ hỗ trợ đóng vai trò quan trọng nhất (điểm 5) chiếm tỷ lệ lần lượt là 46,8%, 28,13%, 25%, trong khi đó dịch vụ văn hóa không nhận được ý kiến đánh giá (0%). Từ đó cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chuyên môn và doanh nghiệp cần xúc tiến hợp tác nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch sinh thái cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến rừng, cụ thể cần xác định các DVHST rừng tràm từ ý kiến các bên liên quan và thụ hưởng nhằm đề xuất giải pháp quản lý và khai thác rừng hiệu quả hơn

    Ứng dụng phần mềm primer đánh giá sự phân bố cá tự nhiên ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Cà Mau

    Get PDF
    Nghiên cứu thành phần loài cá tự nhiên ở mô hình trồng keo lai, tràm trồng và tràm tự nhiên theo tầng phèn và độ tuổi cây rừng được thực hiện từ 09/2018 đến 03/2019 tại vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Ngư cụ lưới kéo, lưới giăng, lợp, lờ, lú, vớn, lưới ma trận được sử dụng để bắt cá. Vào mùa mưa, 21 loài cá thuộc 06 bộ, 12 họ được phát hiện, trong khi đó 25 loài cá thuộc 15 họ, 08 bộ được phát hiện vào mùa khô. Bộ cá Vược chiếm ưu thế nhất ở cả hai mùa với 11 loài. Sản lượng cá theo mẫu khảo sát dao động trong mùa mưa và mùa khô lần lượt là 2,28 g và 2,32 g; 2,13 g – 7.652,53 g và 1,52 g – 10.339,85 g. Nhóm cá trắng như cá rằm (Puntius brevis), cá đỏ mang (Puntius orphoides), cá lành canh xiêm (Parachela siamensis), cá ngựa sông (Hampala macrolepidota) phân bố ở vùng đất phèn sâu, trong khi cá rô (Anabas testudineus), cá bãi trầu (Trichopsis vittata), cá lia thia (Betta taeniata) phân bố ở vùng phèn nông. Đa dạng cá được chia thành 03 nhóm cá tương đồng theo vị khảo sát trong mùa mưa và 02 nhóm trong mùa khô. Qua kết quả nghiên cứu, loại mô hình, điều kiện phèn và yếu tố mùa có ảnh hưởng lớn đến đa dạng cá tự nhiên tại khu vực nghiên cứu

    ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ, ÁNH SÁNG, ĐỘ MẶN, VÀ TIỀN XỬ LÝ HẠT GIỐNG LÊN SỰ NẨY MẦM CỦA HẠT GIỐNG ĐIÊN ĐIỂN (SESBANIA SESBAN)

    Get PDF
    ảnh hưởng của nhiệt độ, ánh sáng, độ mặn và các hạt giống tiền xử lý theo các cách khác nhau được tiến hành nghiên cứu trong hệ thống môi trường có kiểm soát. Không có sự khác biệt đáng kể về phần trăm nẩy mầm giữa nghiệm thức sáng và tối. Sự phát triển chiều dài rễ mầm bị ảnh hưởng đáng kể bởi điều kiện ánh sáng và nhiệt độ. Sự nẩy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 30oC và 37oC, tuy nhiên hạt giống cũng nẩy mầm ở 22oC. Không có sự nẩy mầm ở nhiệt độ thấp(5oC và 13oC)và cao(45oC). Nghiên cứu ảnh hưởng của độ mặn và các phương pháp tiền xử lý hạt, kết quả cho thấy độ mặn lên đến 100 mM(5.8ppt)không ảnh hưởng đến tỉ lệ nẩy mầm, nhưng từ 200 đến 250 mM sự nảy mầm giảm 17 đến 29 %. Hạt điên điển(Sesbania sesban)được xử lý trước trong nước ấm, acid sulphuric hay calcium sulphate sẽ có tác động nhỏ đến tỉ lệ nẩy mầm

    Khả năng hấp thu đạm, lân của sậy (Phragmites australis) trong hệ thống đất ngập nước

    Get PDF
    Nước thải sơ chế gà rán công nghiệp sau khi tiền xử lý bằng ozone vẫn còn chứa một lượng đạm, lân cần được quan tâm xử lý. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng cây sậy (Phragmites australis) trồng trong hệ thống đất ngập nước chảy ngầm ngang nhằm đánh giá khả năng hấp thu lượng đạm, lân trong loại nước thải này. Thí nghiệm được bố trí gồm 01 nghiệm thức thí nghiệm và 01 nghiệm thức đối chứng (mỗi nghiệm thức có độ lặp là 03 lần). Mỗi nghiệm thức được xây dựng bằng gạch bê tông có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 8 m x 0,4 m x 0,5 m, được nạp tải 330 lít nước thải với thời gian lưu nước 03 ngày. Sau khi thí nghiệm kết thúc, sậy sinh trưởng và phát triển tốt. Chiều cao trung bình của sậy đạt 166 cm/cây. Trọng lượng tươi và khô (TLK) trung bình của sậy đạt tương ứng 83 và 23 g/cây. Hàm lượng đạm trong thân và rễ sậy đạt tương ứng 0,611±0,014% và 0,333±0,009% TLK. Hàm lượng lân trong thân và rễ sậy đạt 0,096±0,004% và 0,088±0,005% TLK. Cây sậy giúp hấp thu 11,22% đạm và 8,88% lân trong nước thải đầu vào. Nước thải sau khi xử lý bằng đất ngập nước đạt tiêu chuẩn xả thải cột B – QCVN 40:2011/BTNMT

    SỰ PHÂN BỐ CỦA THỦY SINH THỰC VẬT BẬC CAO TRONG CÁC THỦY VỰC Ô NHIỄM HỮU CƠ VÀO MÙA MƯA Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ

    Get PDF
    Thực vật thủy sinh là đối tượng nghiên cứu với nhiều mục tiêu khác nhau như chỉ thị môi trường, thay đổi môi trường, xử lý ô nhiễm và hấp thu dinh dưỡng. Để góp phần vào việc ứng dụng chỉ thị sinh học trong quản lý môi trường nước, nghiên cứu “Sự phân bố của thủy sinh thực vật trong các thủy vực ô nhiễm hữu cơ vào mùa mưa ở Thành Phố Cần Thơ” đã được thực hiện. Nghiên cứu đã chọn 3 kênh trong thành phố Cần Thơđể khảo sát là kênh Lộ 91, Cái Sơn – Hàng Bàng và kênh 51. Kết quả cho thấy các kênh nghiên cứu có hàm lượng COD dao động từ 32,07 mg/l đến 138,47 mg/l, Tổng đạm dao động từ3,89 mg/l đến 33,79 mg/l và tổng lân dao động từ 2,86 mg/l đến 11,14 mg/l. Nghiên cứu chủ yếu tập trung khảo sát nhóm thực vật bậc cao và đã xác định được 20 loài thực vật thủy sinh phổ biến thuộc 14 họ. Đặc biết có 9 loài xuất hiện trong cả 3 kênh. Năm loài thực vật thủy sinh ưu thếđược xác định là lục bình (Eichhornia crassipes), cỏ mồm (Hymenachne acutigluma), cỏ lông tây (Brachiaria mutica), môn nước (Colocasia esculenta L.) và rau muống (Ipomoea aquatica) với chỉ số quan trọng lần lượt là 75%, 55%, 48%, 46% và 34 %

    DIỄN BIẾN HÀM LƯỢNG ĐẠM TRONG HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI TRỒNG CÂY ĐIÊN ĐIỂN (SESBANIA SESBAN)

    Get PDF
    Chất lượng nước thải được cải thiện một cách đáng kể trong hệ thống trồng cây điên điển. Hiệu suất xử lý nước thải của điên điển đối với đạm tổng là 59,15%, nitrate 81,77% và amonium 83,68%. Điên điển có khả năng thích nghi và phát triển tốt trong môi trường nước thải thông qua các chỉ tiêu sinh học. Trọng lượng tươi tăng 13 lần; chiều cao cây tăng gần gấp 3 lần; chiều dài rễ tăng 1,66 lần; sinh khối tươi trung bình trên 1 m2 tăng 11,49 lần. ở thời điểm kết thúc thí nghiệm (sau 45 ngày), khi thu hoạch sinh khối đồng thời điên điển đã lấy đi 407,8 g N/m2, phân tích hàm lượng đạm cao nhất trong lá và thấp nhất trong thân. Các kết quả cho thấy chất lượng nước thải được cải thiện đáng kể  khi trồng điên điển, đặc biệt là làm giảm hàm lượng  đạm

    ẢNH HƯỞNG CỦA LOẠI ĐẤT ĐẾN SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA CÂY ĐIÊN ĐIỂN (SESBANIA SESBAN)

    No full text
    Cây điên điển là một loài thực vật thủy sinh có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Loại đất là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của của cây điên điển. Cây điên điển đã được trồng thí nghiệm trong điều kiện 6 loại đất khác nhau (đất bùn, đất cát, đất phù sa, đất phèn, đất mặn và đất sét) để theo dõi sự tăng trưởng của cây điên điển. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây tăng trưởng tốt nhất trong đất Bùn nhưng không tốt trong đất Phù sa và Mặn

    Đánh giá một số chỉ tiêu nước mặt ở các mô hình canh tác tại Cù Lao Dung - Sóc Trăng

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá một số chỉ tiêu về chất lượng nước mặt ở các mô hình canh tác nông nghiệp điển hình vùng thượng nguồn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, góp phần cung cấp thông tin cho các quyết định canh tác nông nghiệp tại địa phương. Các thông số chất lượng nước mặt được đánh giá bao gồm pH, oxy hòa tan (DO), nhiệt độ (℃), độ dẫn điện (EC), độ mặn, BOD520, tổng đạm và tổng lân. Mẫu nước được thu tại bốn mô hình sản xuất đại diện tại khu vực nghiên cứu là ao tôm (tôm thẻ chân trắng), vườn nhãn, vườn xoài và vườn dừa trong mùa mưa (10/2019) và mùa khô (3/2020). Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng nước tại khu vực nghiên cứu được đánh giá là đáp ứng được cho nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo QCVN08:2015/BTNMT (cột B1). Tuy nhiên, độ mặn trong nước mặt vào mùa khô cao (2,8 – 3,3 ppt) có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của các mô hình trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, hàm lượng BOD520 ­trong mô hình nuôi tôm vào mùa khô cần được kiểm soát nhằm hạn chế các ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng môi trường nước khi xả thải ra môi trường xung quanh
    corecore