19 research outputs found

    Sản xuất khí sinh học từ các nguồn chất thải khác nhau ở Đồng bằng sông Cửu Long

    Get PDF
    Mục tiêu của bài báo này là trình bày những nỗ lực của Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên (CENRes), Trường Đại học Cần Thơ về các nghiên cứu sử dụng năng lượng tái tạo khí sinh học từ các nguồn chất thải ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong hơn một thập kỷ qua. CENRes đã chuyển giao 515 tủi ủ PE, phát hành tín chỉ carbon (446 tCO2/năm) vào tháng 5/2016. Bên cạnh đó, 32 mô hình biogas HDPE để xử lý chất thải chăn nuôi, thực vật hoặc đồng phân hủy nâng cao hiệu suất sinh khí biogas đã được bàn giao. Ngoài ra, xử lý khí biogas thừa bằng cách chia sẻ cho cộng đồng giảm thải 12,9 tấn CO2eq/năm. Sự phối trộn thực vật với bùn thải nuôi tôm siêu thâm canh tăng hiệu suất sinh khí từ 26 đến 53%. Nhóm nghiên cứu cũng đã phát triển bếp biogas hồng ngoại cải tiến sử dụng được áp suất thấp (0,45 cmH2O), tiết kiệm biogas, giảm thời gian nấu và sản phẩm khí cháy không mùi hôi

    Sử dụng nước thải biogas với nguyên liệu nạp phân bò tưới lúa trồng trên đất phù sa

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tính khả thi của việc sử dụng nước thải biogas với nguyên liệu nạp là phân bò để trồng lúa, hạn chế dùng phân bón hóa học trên ruộng. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên trong chậu 0,24 m2 (dài x rộng = 0,6 m x 0,4 m), 3 lần lặp lại ở điều kiện nhà lưới với 4 nghiệm thức: NTđối chứng (140 kg urea-N.ha-1); NTNH4 (tưới nước biogas với lượng đạm 140 kg.ha-1 tính dựa trên đạm N-NH4); NTTKN (tưới nước biogas với lượng đạm 140 kg.ha-1 tính dựa trên đạm N-TKN); NTTB (tưới nước biogas với lượng đạm 140 kg.ha-1 tính theo trung bình giữa đạm NH4và  TKN). Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất lúa ở nghiệm thức sử dụng phân hóa học là thấp nhất đạt 0,90 kg.m-2 (tươngđương 9 tấn.ha-1) và NTNH4 cho năng suất lúa cao nhất và gấp 1,8 lần so với NTđối chứng. Như vậy, nước thải sau túi ủ biogas có tiềm năng sử dụng trong canh tác lúa để thay thế một phần cho phân bón hóa học, mà vẫn đảm bảo được năng suất lúa

    Đặc điểm động vật đáy trên sông hậu trong phạm vi thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

    Get PDF
    Đặc điểm động vật đáy (ĐVĐ) trên sông Hậu trong phạm vi thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang được khảo sát nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho đánh giá tác động của hoạt động kinh tế xã hội trong vùng đến môi trường. Mẫu ĐVĐ được thu hàng tháng tại 13 điểm từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018. Kết quả đã phát hiện 3 ngành ĐVĐ, gồm Annelida, Arthropoda và Mollusca. Tổng số loài phát hiện được trong vùng qua các đợt biến động từ 13 – 26 loài. Tháng 6/2017 có số loài thấp nhất và tháng 10/2017 có số loài cao nhất. Ngành Annelida có số loài chiếm tỷ lệ trung bình là 28% trong khi ngành Mollusca có số loài chiếm tỷ lệ trung bình 30,3% và ngành Arthropoda có tỷ lệ trung bình 41,8%. Ngành Arthropoda chiếm ưu thế nhất về mật độ, ngành Mollusca có tỷ lệ thấp nhất. Chỉ số H’ dao động trong khoảng 1,71 – 2,28. Kết quả này phản ánh nước từ ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm. Chỉ số H’ ổn định từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018 cho thấy nước luôn ở mức ô nhiễm nhẹ như giai đoạn trước khi nhà máy Lee&Man xả thải (tháng 3/2017). Các điểm trong phạm vị nhà máy Lee&Man có chỉ số H’ thấp, thể hiện nước ô nhiễm. Kết quả đề tài là thông tin nền quan trọng để đánh giá tác động của các hoạt động công nghiệp và kinh tế xã hội khác trong vùng nghiên cứu sau này

    Đánh giá lý – hóa tính đất trồng lúa trong và ngoài đê bao khép kín huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện tại xã Phú Xuân (khu vực trong đê bao khép kín) và Hiệp Xương (khu vực ngoài đê bao khép kín), huyện Phú Tân, tỉnh An Giang với mục tiêu đánh giá tính chất đất giữa trong đê và ngoài đê bao khép kín. Mẫu đất được thu tại (i) 15 điểm trong đê với 2 đợt thu mẫu vào tháng 2/2018 và tháng 10/2018 và (ii)15 điểm ngoài đê với 2 đợt thu mẫu vào tháng 2/2018 và tháng 8/2018. Mẫu đất được thu theo phương pháp tổ hợp gồm 5 mẫu đất (tầng 0-20 cm) để phân tích dung trọng, tỷ trọng, độ xốp, sa cấu đất, pH, độ dẫn điện, chất hữu cơ, khả năng trao đổi cation (CEC), tổng đạm, tổng lân, tổng kali và nitrate (NO3-N). Kết quả nghiên cứu đã cho thấy pH, dung trọng, tỷ trọng và độ xốp không có sự khác biệt giữa trong đê và ngoài đê, ngoại trừ độ dẫn điện thì trong đê cao có ý nghĩa so với ngoài đê. Các thông số như hàm lượng chất hữu cơ, CEC, tổng đạm và tổng lân trong đê có giá trị cao hơn ngoài đê với các giá trị lần lượt: chất hữu cơ (8,67% và 5,49%), CEC (26,1 cmol kg-1 và 20,7 cmol kg-1), tổng đạm (0,32 %N và 0,25 %N) và tổng lân (0,19 %P2O5 và 0,14 %P2O5). Thông số NO3-N cũng cho thấy được giá trị trong đê (1,74 mg kg-1) cao hơn ngoài đê (1,52 mg kg-1) nhưng không có khác biệt (p>0,05). Tương tự, hàm lượng tổng kali không khác biệt giữa trong đê (1,33%) và ngoài đê (1,32%). Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân trong đê cao hơn ngoài đê

    Thực trạng phát sinh rác thải nhựa trong trường học - nghiên cứu điển hình tại Trường Đại học Cần Thơ

    Get PDF
    Nghiên cứu nhằm xác định thực trạng phát sinh rác nhựa và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh rác nhựa tại Trường Đại học Cần Thơ. Loại rác thải nhựa, loại nhựa trong rác thải nhựa phát sinh từ các phòng học và trong khuôn viên trường đã được khảo sát từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021. Điều tra về sử dụng sản phẩm nhựa và biện pháp giảm phát sinh rác nhựa được thực hiện bằng cách phỏng vấn cán bộ (n = 108), người học (n = 600) và người kinh doanh dịch vụ (n = 15). Kết quả cho thấy về khối lượng, rác nhựa chiếm 11,4% tổng khối lượng rác và nhựa LDPE phát sinh nhiều nhất (44,3%) trong khuôn viên trường. Túi nhựa loại LDPE phát sinh nhiều nhất từ phòng học, chiếm 31,9% tổng số loại rác thải nhựa. Hầu hết (80%) các đơn vị kinh doanh không phân loại sản phẩm nhựa sau sử dụng để tái chế hay bán phế liệu. Sự hạn chế công tác tuyên truyền, sự tiện lợi của sản phẩm nhựa và việc phân loại rác nhựa chưa tốt là các khó khăn chính trong việc hạn chế phát sinh rác nhựa. Tổng hợp các biện pháp gồm: tuyên truyền, phân loại rác, khen thưởng và chế tài (trừ điểm rèn luyện người học), nghiên cứu mô hình tái chế rác nhựa cần được tiến hành để hạn chế phát sinh rác nhựa

    Kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu

    Get PDF
    Sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu, bài viết này tổng hợp và phân tích các thông tin về phát thải khí nhà kính (KNK), lợi ích khi áp dụng kỹ thuật ngập khô xen kẻ (AWD) và tiềm năng nhân rộng AWD trong canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).Hệ số phát thải khí mêtan (CH4) ở ĐBSCL là 1,92kg/ha/ngày, cao hơn hệ số phát thải ở Đông Nam Á và toàn cầu. AWD làm giảm lượng khí thải CH4 hàng năm (-51%) so với canh tác truyền thống (CF). AWD theo nông dân (AWDF) làm giảm CH4 đáng kể (35%) so với các ruộng CF. AWD và AWDF đều có năng suất cao hơn so với CF. Rào cản lớn cho áp dụng AWD là hệ thống tưới tiêu và phương pháp quan trắc mực nước, dẫn đến chưa thể ban hành các chính sách, thể chế về AWD cho toàn vùng ĐBSCL. Sử dụng IoT là phương pháp tiện ích trong quản lý nước cho người dân..

    Đánh giá và so sánh tính chất lý-hóa học đất trồng lúa trong và ngoài đê bao khép kín tỉnh An Giang

    No full text
    Nghiên cứu đánh giá và so sánh chất lượng đất trong và ngoài đê bao khép kín đã được tiến hành theo dõi liên tục trong 3 năm (2013 – 2016) tại 4 huyện của tỉnh An Giang (Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới và Thoại Sơn); mỗi huyện chọn 15 điểm trong đê và 15 điểm ngoài đê cố định để thu mẫu; mẫu được thu sau mùa lũ. Kết quả phân tích cho thấy thành phần vật lý (pH, dung trọng, tỷ trọng, độ xốp và thành phần cơ giới) không có sự khác biệt giữa trong và ngoài đê, ngoại trừ trị số EC và độ chặt. Thành phần hóa học của đất trong đê cao hơn ngoài đê và có sự khác biệt có ý nghĩa, với giá trị trong và ngoài đê được thể hiện lần lượt: tổng đạm (0,26%N và 0,20%N); tổng lân (0,16%P2O5 và 0,13%P2O5) và chất hữu cơ (6,93% và 4,70%); ngoại trừ hàm lượng tổng kali không có sự khác biệt giữa trong và ngoài đê, cụ thể trong đê 1,45%K2O và ngoài đê 1,42%K2O. Cả 2 vùng nghiên cứu, chất lượng đất được đánh giá ở mức khá đến giàu. Đặc biệt, độ phì (N,P) trong đê cao hơn ngoài đê một cách có ý nghĩa
    corecore