3 research outputs found

    Khả năng phân giải protein, lipid, tinh bột, chitin và ức chế nấm của vi khuẩn vùng rễ được phân lập từ cây tiêu (Piper nigrum L.) trồng ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

    Get PDF
    Nghiên cứu được thực hiện trên 22 chủng vi khuẩn đã được phân lập từ vùng rễ cây tiêu và đã xác định khả năng cố định đạm, hòa tan phosphate, tổng hợp IAA và sản xuất siderophore trong một nghiên cứu trước đây. Khả năng phân giải các hợp chất hữu cơ bao gồm tinh bột, protein, lipid, chitin và sự ức chế nấm của các vi khuẩn này đã được nghiên cứu bằng phương pháp khuếch tán giếng thạch. Kết quả cho thấy số lượng các chủng vi khuẩn có khả năng phân giải tinh bột, protein, chitin và lipid lần lượt là 21, 20, 12 và 10 chủng. Hai chủng vi khuẩn bao gồm MH13 và ML17.1 có thể ức chế nấm chỉ thị, trong đó MH13 có thể ức chế Fusarium sp. và ML17.1 có thể ức chế tất cả các loại nấm chỉ thị bao gồm Fusarium sp., Penicillium sp., Aspergillus niger, A. flavus và Cladosporium sp. Bốn chủng tốt nhất đã được xác định là Bacillus subtilis (ML17.1 và MH13) và Alcaligenes sp. (CT5 và TT5) bằng phương pháp khối phổ MALDI-TOF. Đây là các vi khuẩn thúc đẩy tăng trưởng thực vật đã được báo cáo về các ứng dụng tiềm năng trong nông nghiệp

    Đặc điểm môi trường nhiệt và diễn biến đảo nhiệt đô thị bề mặt khu vực Bắc thành phố Hồ Chí Minh

    Get PDF
    Bài báo đề cập đến đặc trưng nhiệt độ bề mặt đất trích xuất từ ảnh vệ tinh Landsat, từ đó xem xét diễn biến sự hình thành đảo nhiệt đô thị bề mặt cho khu vực Bắc thành phố Hồ Chí Minh, không tính huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Thời gian khảo sát gồm 3 thời điểm thu nhận ảnh năm 1995, 2005 và 2015. Nghiên cứu đã xác định đảo nhiệt đô thị bề mặt từ các kênh hồng ngoại nhiệt theo khả năng phát xạ của bề mặt thực dựa trên đặc tính của chỉ số thực vật NDVI. Kết quả cho thấy, biến động nhiệt độ trên thành phố có xu hướng ngày càng tăng và mở rộng dần diện tích của những vùng có nhiệt độ cao hướng ra các vùng ngoại ô. Trong giai đoạn 1995-2015, xu hướng hình thành đảo nhiệt đô thị bề mặt với 4 vị trí điển hình cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa nhiệt độ bề mặt của khu vực đô thị và khu vực nông thôn, mở rộng không gian đảo nhiệt năm 2015 gấp 4 lần so với năm 1995. Từ đó, các giải pháp giảm thiểu tác động của đảo nhiệt đô thị đã được đề xuất nhằm bảo vệ môi trường đô thị và cuộc sống cư dân thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tốt hơn
    corecore